CHIA SẺ

Sunday, June 16, 2019

SÂU BỆNH HẠI CÂY DỪA DÂU

Cây Dừa nói chung và Cây Dừa Dâu nói riêng cũng có nhiều sinh vật phá hại và một số bệnh làm giảm năng suất hoặc làm chết Dừa. Tuy nhiên, Bà con trồng Dừa hoàn toàn có thể yên tâm trồng Dừa nếu biết cách phòng trừ sâu bệnh giúp Cây Dừa kịp thời.


Sâu bệnh hại Cây Dừa Dâu

Côn trùng gây hại Dừa Dâu

Kiến Vương: Cắn phá phần mô mềm ở ngọn và đọt non, làm các lá không nở được hoặc bị nhăn nheo, hay có vết sẹo hình chữ V. Các vết thương do Kiến Vương gây ra tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh xâm nhập, hoặc Đuông có điều kiện đẻ trứng và gây hại. Nếu bị tấn công nặng vào giai đoạn cây con, Dừa có thể bị chết.

Biện pháp phòng trừ Kiến Vương: Bà con thường xuyên vệ sinh Vườn Dừa, dọn nhen Dừa đã mục để Kiến Vương khó ẩn nấp và khi bị chúng tấn công, ta cũng dễ phát hiện các dấu vết, như đã nêu.

Bà con dùng 300gr mạt cưa trộn với 30gr Regent 0,3G (hoạt chất Fipronil) hoặc Basudin 10H (hoạt chất Diazinon)… rải lên các nách lá đọt vài tháng một lần. Dùng 1 đoạn lưới cước (lưới bén) cỡ mắt lưới 2 cm, dài 3m x rộng 0,6m, quấn kín khoảng 5-6 kẻ bẹ lá ngọn, khi Kiến Vương bay vào sẽ bị vướng lưới chết. Dùng vôi quét kín phần gốc Dừa tơ một đoạn cao khoảng 1,5 m, để ngăn không cho Đuông đẻ trứng vào các vết nứt của gốc.


Côn trùng gây hại Dừa Dâu

Nếu phát hiện có Kiến Vương tấn công Dừa, dùng Regent, Basudin kết hợp Aliette pha đậm đặc bơm vào các lỗ đục. Các Cây Dừa bị Kiến Vương làm chết phải đốt, tiêu hủy (có thể ngâm dưới mương) hoặc xử lý bằng hóa chất để tránh lây lan.

Đuông Dừa: Trùng cái đẻ trứng vào các vết thương do Kiến Vương gây ra, hoặc các vết nứt quanh gốc Cây Dừa Tơ (nhất là từ 2 đến 5 tuổi). Chúng cũng đẻ trực tiếp trên đọt non của Cây Dừa. Trứng sẽ nở ra sâu non (ấu trùng) và chúng đục phá thẳng vào củ hủ, để lại nhiều sẹo lớn, Cây Dừa bị dị dạng. Nếu nặng hơn, Cây Dừa sẽ chết trong khi các lá già vẫn còn xanh.

Biện pháp phòng trừ Đuông Dừa: Bà con có thể xử lý giống như phòng trừ Kiến Vương.

Bọ Dừa: Do thành trùng và ấu trùng đều gây hại. Bọ Dừa không thích ánh sáng, chúng chỉ xâm nhập vào các kẻ lá Dừa non còn xếp, chưa bung ra và gây hại bằng cách cạp ăn biểu bì trên mặt lá non theo từng hàng song song với gân chính.

Cách phòng trừ: Dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Actara (Thiamethoxam), Karate (Lambda-cyhalothrin), Abamectin,… để phòng và trị bằng cách phun thẳng vào Đọt Dừa, nhất là vào búp lá non. Hoặc trộn thuốc vào mạt cưa hay mụn dừa, dùng vải túm lại và nhét vào đọt non. Kết hợp dùng ong ký sinh Asecodes hispinarum, Kiến Vàng để diệt Bọ Dừa, có thể dùng ong ký sinh để diệt Bọ Dừa rất hiệu quả khi Bọ Dừa phát tán trên diện rộng. (Việc nuôi và sử dụng ong ký sinh có tài liệu hướng dẫn riêng).

Bệnh hại Cây Dừa Dâu

Bệnh Đốm Lá: Do nấm Pestalozzia palmarum. Bà con quan sát từ chóp lá vào, đầu tiên xuất hiện những đốm nhỏ nâu vàng hình bầu dục, sau đốm bệnh lớn dần có màu nâu, tâm vết bệnh màu xám tro. Nhiều vết bệnh liên kết thành mảng lớn làm cho lá bị cháy.

Phòng trị bệnh: Không trồng quá dày, bón phân đủ và cân đối nhất là kali, cần chú ý thoát nước không để cây bị úng, sử dụng thuốc Mancozeb, Rovral để phun xịt.


Bệnh hại Cây Dừa Dâu

Bệnh Thối Đọt: Do nấm Phytophthora palmivora Bult. Bệnh thường xuất hiện trong mùa mưa, lúc ẩm độ cao. Đầu tiên các lá non có dấu hiệu mất màu xanh bình thường. Sau đó, lá vàng và cuối cùng khô rụng. Cắt ngọn dừa có phần hôi và bị thối, các lá dưới cũng dần dần bị vàng và khô.

Phòng trị bệnh: Từ lúc bệnh xâm nhập tới đọt bị chết kéo dài từ 3 – 5 tháng. Nếu phát hiện sớm khi lá đọt mới bị vàng nên cắt bỏ phần bị hư rồi phun thuốc trừ nấm như: Eddy, Aliette, Mataxyl, Ridomil … Nếu cây bị chết thì nên đốn và tiêu hủy.

Bệnh Rụng Trái Non: Trái non khoảng 2 – 3 tháng tuổi bị rụng, tỉ lệ rụng 30 – 50% số hoa cái có trên bông mo. Các cây mới bắt đầu cho trái thường bị rụng trái non rất nhiều, trái thường bị rụng ở phần tiếp giáp lá bao với đầu trái.

Bệnh rụng trái xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau có thể do thiếu nước vào mùa khô hoặc thoát nước chưa tốt vào mùa mưa, đất bị nhiễm phèn mặn, đất thiếu dinh dưỡng, do nấm bệnh, do vi khuẩn, do sâu, do di truyền…

Cách phòng trừ:
Bà con cần làm tốt công tác chọn giống, vệ sinh vườn thường xuyên, tưới và thoát nước tốt cho cây, bón phân cân đối, bón vôi bổ sung khi đất vị nhiễm phèn mặn. Đối với tác nhân do nấm, để phòng trị, có thể dùng các loại thuốc Score, Ridomil, Eddy… Do vi khuẩn dùng Starner, Kasuran phun trên tất cả bẹ lá và buồng trái. Rụng do sâu thì dùng các loại thuốc trừ sâu như: Abamectin, Karate ,… (liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì), nên phun vào lúc chiều tối để hạn chế gây hại cho Ong Mật, Kiến Vàng. Khi xử lý thuốc trừ sâu bệnh Bà con nên kết hợp với chế phẩm tăng đậu trái.