CHIA SẺ

Sunday, June 16, 2019

CÁCH NHÂN GIỐNG DỪA DÂU

Dừa là loại cây lâu năm, có thể sinh trưởng, phát triển 35-45 năm, sinh sống tại vùng nước lợ. Có một số Giống Dừa cho năng suất cao như Giống Dừa Dâu cho năng suất thu hoạch khoảng 90-120 trái/năm. Hơn nữa, để tiết kiệm chi phí đầu tư Bà con có thể tự nhân giống tại nhà.


Cách nhân giống Dừa Dâu

Chọn Giống Dừa Dâu và thiết lập vườn ươm

Chọn cây mẹ: Cây mẹ phải được trồng trong quần thể Dừa Dâu, không trồng chung với các Giống Dừa Khác, như vậy sẽ bảo đảm được chất lượng của trái ở đời sau. Cây mọc thẳng, sẹo lá dày, gốc không phình to, không có đoạn khuyết hoặc vết tích sâu hại trên thân. Số trái trên quày từ 10 trái trở lên, không có trái điếc, quả Dừa cân đối không bị dị dạng.

Chọn trái: Trái được thu hoạch để làm giống ít nhất phải được 11 tháng tuổi trở lên, khi thu hoạch không để trái rớt trực tiếp xuống đất vì dễ làm ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy mầm. Chọn các trái nặng (khi bỏ xuống nước nổi lên 1/3 trái là được), loại bỏ những trái nhỏ, trái nổi 2/3, trái có sẹo sâu, chuột, bọ xít…


Chọn Giống Dừa Dâu và thiết lập vườn ươm

Cách thiết lập vườn ươm: Làm đất tơi xốp bằng cách trộn thêm Tro Trấu, bụi Xơ Dừa hay phân hữu cơ. Lên liếp cao 15 – 20cm, rộng từ 1,2 – 1,5m vừa đủ ươm 5 – 6 trái. Giữa hai liếp nên đào rãnh rộng 20 – 30cm giúp thoát nước tốt và việc đi lại chăm sóc được dễ dàng. Ở vùng có nhiều mối nên ươm trái cây trên cát để hạn chế mối phá hại.

Kỹ thuật nhân giống Dừa Dâu

Xử lý trái giống trước khi ươm: Trái giống sau khi thu hoạch nên để nơi thoáng mát từ 2 – 3 tuần cho trái qua giai đoạn ngủ nghỉ và khô đồng đều. Xử lý trái giống bằng cách vạt một mảng vỏ có đường kính 5 – 6cm ở phần cuống đối diện với mặt phẳng nhất của trái Dừa nhằm giúp trái hút ẩm dễ dàng và nảy mầm nhanh hơn. Trước khi ươm có thể ngâm trái trong nước ao 2 – 3 ngày để giúp trái mau nảy mầm và hạn chế công tưới khi đưa vào vườn ươm. Xử lý trái với dung dịch KNO3 hoặc Na2CO3 nồng độ 0,01 – 0,02 để trái mau nảy mầm và cây con khỏe mạnh sau này. Nên chọn trái có cùng độ chín để phân biệt sự khác biệt về thời gian nảy mầm của trái.


Kỹ thuật nhân giống Dừa Dâu

Kỹ thuật ươm: Đặt trái vào luống, trái nằm ngang, mặt có mảng vỏ bị bạt hướng lên trên, chiều rộng luống vừa đặt đủ 5 – 6 trái khít nhau, phủ đất, bụi xơ dừa hay tro trấu kín 2/3 trái giúp cho trái được giữ ẩm tốt và dễ kiểm tra khi nảy mầm. Để tiện theo dõi và tuyển chọn được trái nảy mầm sớm nên lập một bảng tên giống theo từng lô trái. Bảng tên gồm các nội dung sau: tên giống, ngày ươm, số trái ươm, số trái nảy mầm, đặt trước các luống. Sau đó tiến hành chăm sóc cây giống.

Tiêu chuẩn cây con xuất vườn: Thời gian cây con trong vườn ươm kéo dài từ 3-6 tháng, khi cây đạt chiều cao từ 40cm có thể xuất vườn. Cây con xuất vườn phải đạt tiêu chuẩn: cây khỏe, gốc thân to, mọc nhiểu rễ, lá có màu xanh đậm, láng, đã tách lá chết, không bị sâu bệnh.